Mã độc tống tiền là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của mỗi doanh nghiệp. Theo Kaspersky, Quý II năm 2019 ghi nhận 232.292 trường hợp bị tấn công bởi mã độc tống tiền. Tăng hơn 46% so với quý II năm 2018 là 158.921 trường hợp. Tùy từng trường hợp mà tiền chuộc có thể khác nhau. Tuy nhiên, có những vụ tin tặc đòi lên tới 5,3 triệu USD. Đây là một con số không hề nhỏ với doanh nghiệp.
1. Mã độc tống tiền là gì?
Mã độc tống tiền (còn gọi là ransomware) là một loại phần mềm độc hại nhằm mã hóa dữ liệu người dùng hoặc chặn quyền truy cập của người dùng vào một tập tin hay thiết bị nào đó. Chỉ khi nạn nhân trả tiền chuộc, quyền truy cập thiết bị hoặc dữ liệu mới được trả lại.
2. Mã độc tống tiền xâm nhập vào máy tính như thế nào?
Máy tính dễ có nguy cơ bị nhiễm mã độc tống tiền khi:
- Click vào các đường link trong email lạ, email rác
- Tải và sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc
- Click vào các quảng cáo chứa mã độc tống tiền
- Truy cập vào website giả mạo, chứa nội dung không lành mạnh…
3. Mã độc tống tiền đe dọa doanh nghiệp như thế nào?
Hậu quả đầu tiên mà mã độc tống tiền gây ra đó là làm tê liệt hệ thống mạng và cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Không chỉ mã hóa số lượng lớn các tập tin, mã độc tống tiền còn xóa các bản sao lưu cho phép người dùng khôi phục từ đó. Hoạt động doanh nghiệp vì thế cũng bị ngưng trệ, gây ra những khoản thiệt hại tài chính khổng lồ.
Ngoài ra, ngay cả khi đã trả tiền chuộc và lấy lại được dữ liệu, doanh nghiệp cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí để điều tra sự cố cũng như khôi phục hệ thống hoạt động trở lại. Có thể thấy, bên cạnh số tiền chuộc ban đầu, doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm hàng chục chi phí khác khi bị mã độc tống tiền tấn công.
Bên cạnh đó, thông tin bị tấn công mạng nếu lộ ra cũng làm giảm uy tín của doanh nghiệp. Trong một khảo sát rằng: “Bạn có muốn hợp tác với các doanh nghiệp từng bị tấn công mạng không? Lý do vì sao?”. Có đến 64% câu trả lời là “không”. Lý do là bởi họ lo lắng thông tin cá nhân của mình bị rao bán, phát tán khắp nơi.
Niềm tin của khách hàng vào doanh nghiệp cũng không còn, họ e ngại về khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi bị tấn công và thấp thỏm không biết doanh nghiệp có bị xâm nhập thêm lần nào nữa hay không. Khi phần lớn khách hàng hiện tại không muốn tiếp tục làm việc cùng, liệu khách hàng mới có dám đặt niềm tin vào doanh nghiệp này hay không? Các doanh nghiệp có lẽ đã tự có câu trả lời.
4. Có phải doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) ít có khả năng bị mã độc tống tiền tấn công?
Nhiều người nghĩ rằng mã độc tống tiền chỉ tấn công doanh nghiệp quy mô lớn có doanh thu cao. Điều này không thực sự chính xác. Theo Cisco Umbrella, mã độc tống tiền WannaCry (2017) lây lan cho khoảng 300.000 máy tính tại 150 quốc gia. Chúng đã biến hơn 200.000 công ty trở thành nạn nhân của chúng. Trong số 200.000 công ty này, chắc chắn có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy, tại sao tin tặc lại nhắm cả vào họ?
Lý do là bởi, cơ sở hạ tầng và bảo mật tại các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chưa thực sự được đầu tư. Chính vì suy nghĩ doanh nghiệp của mình nhỏ, không bị tin tặc “để ý” mà việc quản trị an ninh mạng lại càng lỏng lẻo. Điều này khiến các tin tặc dễ dàng đột nhập vào hệ thống hơn.
Ngoài ra, một số tin tặc còn lấy việc tấn công doanh nghiệp vừa và nhỏ như một bàn đạp. Từ đó, chúng có đà thực hiện các cuộc tấn công vào doanh nghiệp lớn hơn sau này.
5. Có nên trả tiền chuộc khi bị nhiễm mã độc tống tiền không?
Khi bị nhiễm mã độc tống tiền, doanh nghiệp thường chấp nhận trả tiền cho tin tặc – kẻ đứng sau mã độc này nhằm lấy lại thông tin và dữ liệu quan trọng.
Trên thực tế, việc trả tiền chuộc không những không đảm bảo doanh nghiệp có thể lấy lại quyền truy cập vào dữ liệu mà còn khiến doanh nghiệp có thể nhiễm thêm mã độc mới. Tin tặc sẽ không đưa ra giải pháp để gỡ bỏ mã độc tống tiền. Thay vào đó, chúng lại lừa người dùng cài đặt phần mềm độc hại khác để đòi thêm tiền chuộc.
6. Làm sao để lấy lại dữ liệu đã bị mã độc tống tiền tấn công?
Rất khó để có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Thông thường, các doanh nghiệp có thể sử dụng chức năng “Previous Version” trên Windows để khôi phục trạng thái của tập tin trước khi bị mã hóa. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hầu hết các loại mã độc tống tiền hiện nay đều được cài đặt xóa luôn bản sao của dữ liệu, cản trở việc doanh nghiệp khôi phục thông tin trở lại.
Lấy lại dữ liệu bị mã độc tống tiền tấn công là một quá trình vô cùng phức tạp. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia công nghệ cao. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Các doanh nghiệp đừng để dữ liệu rơi vào tay tin tặc rồi mới hoang mang tìm giải pháp. Hãy nâng cao nhận thức, ý thức cho toàn bộ nhân viên. Hãy trang bị đầy đủ các giải pháp bảo vệ hệ thống an ninh. Nhờ vậy, nguy cơ bị tấn công mạng có thể giảm thiểu tối đa.
6. Những cách thức phòng tránh mã độc tống tiền tấn công
Doanh nghiệp nên nghiêm túc thực hiện những cách thức phòng tránh dưới đây:
- Thường xuyên rà quét, đánh giá và thực hiện vá lỗ hổng bảo mật để đảm bảo an ninh mạng
- Yêu cầu nhân viên tuyệt đối không click vào bất cứ liên kết lạ hay tập tin khả nghi được gửi qua email hay các trang mạng xã hội khác
- Không tải tập tin hay các phần mềm không rõ nguồn gốc. Nếu bắt buộc phải tải tập tin từ Internet, bạn nên kiểm tra độ an toàn của tập tin đó tại trang web: https://virustotal.com/ (một công cụ của Google) trước khi mở ra.
Đảm bảo an ninh mạng là cơ sở để doanh nghiệp yên tâm phát triển. Hơn nữa, đây chính là cam kết để khách hàng tin tưởng hợp tác. Một doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh uy tín với khách hàng sẽ có nhiều lợi thế trong tương lai.
Ngay từ bây giờ, hãy áp dụng những cách phòng tránh mã độc tống tiền. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp bị tin tặc tấn công hay xâm nhập vào hệ thống.
Nếu muốn tìm hiểu về các giải pháp quản trị nguy cơ an ninh mạng, hãy liên hệ ngay Security Box theo hotline: 0927 118 899 hoặc email: [email protected] để được tư vấn cụ thể nhất!