Theo thống kê cuối năm 2017, số liệu khách quan từ các công ty đánh giá về bảo mật lớn trên thế giới đều chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số an toàn an ninh thông tin ở mức kém, nhất là ở khối doanh nghiệp. Trong khi một cuộc tấn công mạng thành công sẽ khiến doanh nghiệp lớn tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD.
Ngành tài chính ngân hàng đang là đích ngắm của các Hacker
Thực tế trong năm 2018, các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam đã đương đầu với rất nhiều rủi ro, thử thách và các cuộc tấn công có chủ đích đặc biệt là khối tài chính. Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 các quốc gia hứng chịu các cuộc tấn công mạng và lây nhiễm mã độc nguy hiểm.
Tiêu biểu như các mã độc mã hóa dữ liệu (Trojan cryptor), Việt Nam xếp thứ 7 trong số các quốc gia nạn nhân theo báo cáo bảo mật quý 3 của Kaspersky Lab; và thứ hai trong các quốc gia bị nhiễm mã độc đào tiền ảo nhiều nhất trong 10 tháng của năm 2018. Riêng đối với các tổ chức công nghiệp như các nhà máy, dây chuyền sản xuất, Việt Nam xếp hạng đầu tiên với tỷ lệ 9,8%, cách xa so với các quốc gia đứng thứ hạng tiếp theo.
Trong tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức mới đây Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh nguy cơ tấn công mạng luôn luôn thay đổi và khuyến nghị, cơ quan Nhà nước cần tiên phong sử dụng sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam để bảo vệ các thông tin mật quan trọng của các cơ quan đầu ngành và làm gương cho các Doanh nghiệp noi theo.
Tất cả những thống kê này tiếp tục khiến các giám đốc công nghệ thông tin lo ngại cho mảng bảo mật cũng như các giám đốc điều hành cảm thấy đe dọa cho uy tín và hoạt động kinh doanh của toàn bộ tổ chức.
Để có thể yên tâm phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo được hệ thống mạng của công ty mình luôn luôn được bảo mật để các hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số khi mà rất nhiều công ty phụ thuộc sống còn vào hoạt động bảo mật thông tin.