Khi bị tin tặc tấn công, thiệt hại mà doanh nghiệp phải hứng chịu là vô cùng nặng nề. Không chỉ tổn thất về tài chính; doanh nghiệp còn đánh mất uy tín trong mắt khách hàng và đối tác. Vậy, tấn công mạng là gì? Làm thế nào để phòng tránh rủi ro bị xâm nhập trái phép? Trong bài viết sau, SecurityBox sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu câu trả lời.
1. Tấn công mạng là gì?
Tấn công mạng (Cyber attack) là hành động xâm nhập trái phép thông qua mạng internet vào một hệ thống website, máy tính, cơ sở dữ liệu… Việc này nhằm mục đích đánh cắp, mã hóa dữ liệu hoặc làm gián đoạn hoạt động vận hành của tổ chức, doanh nghiệp.
2. Tấn công mạng và pentest khác nhau như thế nào?
Hiện nay, SecurityBox nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn giữa tấn công mạng và pentest (kiểm thử xâm nhập). Dù hai hành động này đều nói đến việc xâm nhập vào một hệ thống, tuy nhiên, mục đích của chúng lại khác nhau.
Tấn công mạng là việc xâm nhập trái phép nhằm mục đích gây hại cho nạn nhân. Tấn công mạng thường do hacker mũ đen thực hiện.
Ngược lại, pentest là hành động xâm nhập nhằm tìm ra lỗ hổng bảo mật trong hệ thống để khắc phục. Pentest thường do hacker mũ trắng thực hiện.
3. Phân biệt hacker mũ đen và hacker mũ trắng
Hacker (Tin tặc) là những người hiểu rõ hoạt động của hệ thống mạng, có thể viết hay chỉnh sửa phần mềm, phần cứng máy tính nhằm mục đích tốt, xấu khác nhau.
Hacker mũ trắng là hacker có đạo đức. Họ thường xâm nhập vào một hệ thống hoặc phần mềm, ứng dụng, website để kiểm thử xâm nhập. Sau khi tìm ra những lỗ hổng nguy hiểm, hacker mũ trắng đưa ra giải pháp vá lỗ hổng nhằm bảo vệ tài nguyên của các tổ chức được bảo mật.
Hacker mũ đen thường truy cập trái phép vào các hệ thống như website, mạng nội bộ, các thiết bị, ứng dụng.. để thực hiện các hành vi trái phép. Mục đích của hacker mũ đen nhằm nghe lén, đánh cắp thông tin dữ liệu; tống tiền; gây thiệt hại cho các tổ chức, doanh nghiệp.
4. Đối tượng của các cuộc tấn công mạng
Đối tượng của các cuộc tấn công mạng có thể là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đối tượng bị tấn công phổ biến nhất là các doanh nghiệp. Lý do bởi mục tiêu chính của hacker chính là lợi nhuận.
5. Mục đích tấn công mạng
Các cuộc tấn công mạng chủ yếu nhằm tống tiền doanh nghiệp, hiển thị quảng cáo kiếm tiền hay trục lợi bất hợp pháp. Một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh cũng “chơi xấu” đối thủ bằng cách tấn công mạng. Các doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác và cẩn trọng để tránh phải chịu thiệt hại do rủi ro tấn công mạng.
6. Các phương thức tấn công mạng điển hình
Tấn công bằng phần mềm độc hại (Malware Attack)
Đây là phương thức tấn công mạng khá phổ biến. Malware bao gồm spyware (Phần mềm gián điệp), ransomware (Mã độc tống tiền), virus và worm (Phần mềm độc hại có khả năng lây lan nhanh). Tin tặc sẽ tấn công đối tượng qua các nguy cơ an ninh hoặc một đường dẫn độc hại.
Khi đã xâm nhập được vào hệ thống, malware sẽ:
- Chặn người dùng truy cập vào các folder quan trọng (ransomware)
- Theo dõi hành vi người dùng và ăn cắp dữ liệu (spyware)
- Phá hoại và làm gián đoạn hoạt động của hệ thống
Tìm hiểu thêm: Mã độc tấn công doanh nghiệp – Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý
Tấn công theo phương pháp do thám (Reconnaissance attack)
Tin tặc sẽ dùng công cụ để rà quét các lỗ hổng an ninh và kiểm tra các dịch vụ đang chạy với mục đích là thu thập thông tin về hệ thống. Hình thức này có thể được hiểu đơn giản như trước khi đột nhập vào nhà; kẻ trộm phải thăm dò, quan sát vị trí của ngôi nhà; tìm hiểu các điểm sơ hở của chủ nhà sau đó mới bắt đầu đột nhập.
Tấn công mạng theo phương pháp truy cập (Access attack)
Hình thức tấn công mạng này nhằm khai thác lỗ hổng của nạn nhân. Ví dụ các lỗ hổng trong dịch vụ web, đường truyền FTP, dịch vụ xác thực… Sau khi đã thử mật khẩu bằng từ điển, hacker sẽ dễ dàng truy cập vào các tài khoản của admin trong website, cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý…
Tấn công trung gian (Man-in-the-middle attack)
Hình thức tấn công này xảy ra ngay trong lúc hai đối tượng đang giao dịch với nhau. Khi đã chen được vào giữa, chúng có thể ngay lập tức đánh cắp dữ liệu của giao dịch đó.
Nguyên nhân chính của hình thức tấn công này:
- Truy cập vào mạng di động, wifi không an toàn
- Thiết bị vô tình cài đặt phần mềm độc hại
Tấn công từ chối dịch vụ (DoS và DDoS)
Với hình thức tấn công DoS, hacker sẽ tạo ra một lượng traffic khổng lồ tại cùng một thời điểm (vượt quá khả năng xử lý của hệ thống) làm hệ thống tạm ngưng hoạt động trong một thời gian ngắn. Tin tặc sẽ lợi dụng khoảng thời gian này để xâm nhập và ăn cắp dữ liệu.
DDoS (Distributed Denial of Service) là một hình thức biến thể của DoS. Với hình thức này, hacker sử dụng một mạng lưới các máy tính (botnet) để bắt đầu tấn công. Điều nguy hiểm là chính các máy tính thuộc mạng lưới botnet cũng không biết mình đang bị lợi dụng để làm công cụ tấn công.
Đọc nhiều: 12 loại tấn công DDoS
Tấn công cơ sở dữ liệu (SQL injection)
Đây là hình thức hacker đưa một đoạn mã độc vào server sử dụng ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc (SQL). Mục đích hình thức tấn công này là khiến máy chủ trả về những thông tin đặc biệt quan trọng. Các cuộc tấn công SQL injection thường xuất phát từ các lỗ hổng của website mà bình thường doanh nghiệp không chú ý tới.
7. Các biện pháp ngăn chặn tấn công mạng cho doanh nghiệp
Theo SecurityBox, mọi doanh nghiệp đều cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp dưới đây để ngăn chặn tấn công mạng:
- Phòng ngừa các nguy cơ tấn công bằng cách bảo vệ tài liệu, cập nhật các bản vá lỗi cho hệ điều hành, ứng dụng…
- Kiểm tra, rà quét lỗ hổng thiết bị, hệ thống bằng giải pháp quản trị nguy cơ an ninh mạng SecurityBox: SecurityBox 4Network & SecurityBox 4Website
- Tắt các dịch vụ không cần thiết, hạn chế click vào những đường link lạ
- Mã hóa thông tin mật
- Bảo mật thông tin cá nhân, doanh nghiệp
- Đào tạo nhân viên tầm quan trọng an ninh mạng và cách xử lý cơ bản khi gặp sự cố.
Hy vọng qua bài viết này, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về tấn công mạng và biết cách phòng tránh phù hợp. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì, hãy để lại thông tin để được SecurityBox hỗ trợ cụ thể.